Lãnh thổ Bồn_Man

Lãnh thổ của Bồn Man xưa thuộc khu vực phía tây của xứ Nghệ (tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh ngày nay), tức là tỉnh Xiêng Khoảng và một phần tỉnh Hủa Phăn, đến châu Quy Hợp[15] (vùng biên giới tỉnh Khăm Muộn (Lào) với Hà TĩnhQuảng Bình Việt Nam ngày nay).

Xiêng Khoảng ở phía Tây Nghệ An, Hủa Phăn ở Tây Bắc Nghệ An. Theo Phan Huy Chú, phủ Lâm An xứ Nghệ vốn trước là phần đất của Bồn Man chư hầu của Ai Lao, đến năm 1448 niên hiệu Thái Hòa thứ 5, tù trưởng vùng này sang thần phục nhà Lê, Lê Nhân Tông cho nhập vào Đại Việt đổi tên thành Quy Hợp, địa giới nằm ở tận cùng phía tây xứ Nghệ. Năm 1828 Quy Hợp được đổi thuộc phủ Trấn Tĩnh.

Theo Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú:

đến đời trấn quận (tức khi thành Trấn Ninh) nhà Lê lấy thêm được đất Hô Mường ở phía Bắc, tức là đất thuộc Lão Qua (Lan Xang) xưa cho gộp vào trấn Ninh (Hô Mường (Huameuang) vùng đất nay là tỉnh Hủa Phăn Lào). Phía Tây Trấn Ninh tiếp giáp với Ai Lao, (sửa sang nhà cửa, đóng ở Trình Quang) tức là lấy Trình Quang (Xiêng Khoảng) làm lỵ sở.[16]

Theo Đại Việt địa dư toàn biên của Phương Đình Nguyễn Văn Siêu:

Phủ Trấn Ninh, lĩnh 8 huyện ở phía tây tỉnh thành (Nghệ An) (chưa rõ bao dặm). Trước là đất Bồn Man. Đời Lê khoảng năm Hồng Đức, Thánh Tông sai Lê Thọ Vực, Trịnh Công Lệ đánh phá Ai Lao, lấy đất đặt làm phủ này. Trước lĩnh 7 huyện là Kim Sơn, Thanh Vị, Cảnh Thuần, Quang Vinh, Minh Quảng, Châu Lang, Trung Thuận. Đời Lê trở về trước, đều do thổ tù thế tập, đất rộng, dân đông, đứng đầu các mán...Năm Minh Mệnh thứ 8 (1828),..., tù trưởng Trấn Ninh là Chiêu Nội biếu sổ nhân dân thổ địa, xin theo vào nước ta (Đại Nam), vua bèn cho Chiêu Nội làm Trấn Ninh phòng ngự sử,... Sau Chiêu Nội có tội bị giết. Triều đình (nhà Nguyễn) mới đặt lưu quan để cai trị. Năm Minh Mạng 13 (1833), lại đặt thêm huyện Liêm. Huyện Liêm (vốn là mán Mường Hiểm (nay thuộc huyện Viengthong, Hủa Phăn, nước Lào hiện đại) gồm 2 tổng, 3 bạn (bản)), huyện Khâm (tức Kham của Xiêng Khoảng hiện đại) (3 tổng, 3 bạn), huyện Quảng (trước tên là Khoáng có 2 tổng, 2 bạn), huyện Khang (2 tổng, 2 bạn), huyện Cát (2 tổng, 3 bạn), huyện Xôi (2 tổng, 2 bạn), huyện Mộc (nay thuộc Mường Mộc của Xiêng Khoảng hiện tại) (2 tổng, 2 bạn), huyện Liên (2 tổng, 2 bạn).[17]

Nhưng cũng theo Nguyễn Văn Siêu:

vùng đất tỉnh Hủa Phăn ngày nay lại thuộc hai phủ Trấn Biên tỉnh Nghệ An và phủ Trấn Man của tỉnh Thanh Hóa thời Nguyễn.[18] Phần phía Nam của Hủa Phăn ngày nay là phủ Trấn Biên, nằm ở phần tây bắc tỉnh Nghệ An nhà Nguyễn, trước thuộc đất xứ Mang Hổ nước Ai Lao, gồm 4 huyện: Xa Hổ, Xầm Tộ (nay là Xamtay, hay còn gọi là Xầm Tơ tỉnh Hủa Phăn) vốn là Hổ Phân Xầm Tộ, Mang Lan (Mường Lan) vốn là Hổ Phân Mang Lan, Mang Soạn vốn là Hổ Phân Mang Soạn. Phần phía Bắc Hủa Phăn là phủ Trấn Man thuộc Thanh Hóa thời nhà Nguyễn, được chuyển từ phủ Trấn Biên tỉnh Nghệ An sang năm Minh Mạng thứ 9 (1829), gồm 3 huyện: Trình Cố (tức Xiềng Kho, hay Xiengkhor của Hủa Phăn, trước đó có tên là châu Trình Cụ, cuối thời Lê được nhập thêm châu Mã Nam (Nam sông Mã) từ xứ Hưng Hóa (Sơn La ngày nay) vào), Xầm Nưa hay Sam Neua (châu Xầm Nưa nhà Lê), Man Duy (tức châu Sơn Thôi nhà Lê hay mường Man Xôi đầu nhà Nguyễn, nay là Mường Xon tỉnh Hủa Phăn).[19]